Đầu giờ sáng, tại Trạm y tế xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã có hàng chục người dân đang đợi đến lượt khám và cấp thuốc để điều trị các bệnh liên quan sau mưa, lũ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Trạm trưởng y tế xã Hành Tín Đông cho biết: Hiện nay, hầu hết người dân trên địa bàn đến trạm khám, chữa bệnh trong những ngày qua đều liên quan đến những bệnh thường gặp sau mưa, lũ như: bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ, nước ăn chân, ghẻ lở… với trung bình mỗi ngày khoảng hơn 30 người. Bên cạnh khám, chữa bệnh cho người dân tại trạm, Trạm y tế xã Hành Tín Đông còn thường xuyên cử cán bộ y tế xuống tới các thôn, xóm khám và cấp thuốc điều trị cho người dân mắc các bệnh ngoài da, đường tiêu hóa; đồng thời phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ tại cộng đồng một cách có hiệu quả và kịp thời… Đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức cho biết: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong đợt lũ, lụt vừa qua, toàn tỉnh có gần 14 nghìn nhà dân, 1.016 giếng nước bị ngập; hơn tám nghìn nhà tiêu bị ngập và hư hỏng. Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc phương châm “Nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”. Hiện nay, hệ thống y tế tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương xuống các vùng bị ngập lụt để xử lý rác, xác súc vật chết sau khi bị nước lũ cuốn trôi, tập trung, thu gom và xử lý gọn để tránh dịch bệnh xảy ra. Cử cán bộ y tế thôn đi xuống tận nhà người dân cấp phát Cloramin B và hướng dẫn người dân cách khử trùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh những bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm… Đồng thời, Trung tâm y tế tỉnh đã cấp được gần 200 cơ số thuốc điều trị đối với các bệnh ngoài da, tiêu hóa, đau mắt đỏ... để các trạm y tế kịp thời cấp phát cho người dân phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt. Cũng nằm trong vùng thiệt hại do bão, ngành y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đang huy động lực lượng cùng các cơ quan, đơn vị và người dân chung tay để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, trong đó trọng tâm là công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh dịch có nguy cơ xảy ra trên địa bàn. Phó Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Hương Trà, bác sĩ chuyên khoa II Lê Đức Thịnh cho biết: Những trận mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua gây ngập hơn hai phần ba số xã, phường trên địa bàn thị xã Hương Trà, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đây là thời điểm các vi sinh vật, rác, chất thải theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Do vậy, khi mưa, lũ chưa qua, đơn vị đã cắt cử cán bộ về những địa bàn nước lũ đã rút để vận động người dân vệ sinh môi trường; phối hợp tiêu độc khử trùng các khu vực có nguy cơ cao nhằm khống chế dịch bệnh… Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn: Công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh sau mưa, lũ được các đơn vị y tế tại Thừa Thiên - Huế chú trọng từ nhân lực, thuốc men, bố trí giường bệnh, đến các điều kiện cần thiết để đáp ứng tốt nhất nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người dân, nhất là những trường hợp bị tai nạn do mưa, lũ. Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã cấp 20 cơ số thuốc, 100 nghìn viên Cloramin B, 100 chiếc áo phao... cho tuyến y tế cơ sở để phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ… Cũng như các địa phương khác, sau khi bão số 12 đi qua, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã chủ động phối hợp chính quyền ở các địa phương, nhất là những vùng ngập sâu, vận động người dân ra quân dọn vệ sinh môi trường; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam Trần Văn Hoàn cho biết, trước đợt lũ, ngành y tế đã đưa xuống cơ sở khoảng 1.600 kg Cloramin B để giúp các địa phương trong tỉnh có đủ lượng thuốc phục vụ cho việc khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường sau mưa, lũ. Mới đây nhất, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đề nghị Viện Pasteur Nha Trang cấp thêm một tấn Cloramin B, 100 lít hóa chất diệt côn trùng, 100 nghìn viên Aquatabs khử khuẩn nước và 50 cơ số thuốc phòng bệnh mùa bão lụt. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức đội phun thuốc sát trùng tại những khu vực chăn nuôi hộ gia đình; chợ mua bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; hướng dẫn người dân các bước thực hiện trước khi phun hóa chất theo đúng quy trình mà cơ quan chuyên môn đề ra… Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mùa mưa, lũ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và người dân tổ chức vệ sinh môi trường, với phương châm “nước rút tới đâu - vệ sinh môi trường tới đó”; tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại những vùng có nguy cơ, nhất là tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa, lũ, ngập lụt. Cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Cloramin B, Aquatabs, hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị ngập lụt; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ mà ngành y tế đã đưa ra… Ngoài ra, Bộ Y tế đã kịp thời hỗ trợ một số địa phương các cơ số thuốc phòng, chống lụt, bão; Cloramin B khử khuẩn, bộ dụng cụ phòng, chống lụt bão ... Đồng thời, yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo thiệt hại về cơ sở, vật chất, trang thiết bị; nhu cầu thuốc, Cloramin B khử trùng nước sinh hoạt, hóa chất phòng chống dịch bệnh, để Bộ Y tế có phương án hỗ trợ các địa phương trong thời gian sớm nhất. |
Bài, ảnh: HẬU NGUYÊN và TRÍ TUYẾN |
Ý kiến bạn đọc